Đi lễ Đền Bờ, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên giữa mênh mông sông nước, giữa những hòn đảo lớn nhỏ lô nhô, xung quanh là các bản làng của người dân tộc Mường, Dao… tạo nên một bức tranh thơ mộng sơn thủy hữu tình, như một Vịnh Hạ Long trên núi.
Thác Bờ xưa là đoạn sông Đà chảy qua khu vực chờ Bờ, thuộc xã Hào Tráng (nay là xã Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc). Thác Bờ xưa còn gọi là thác Vạn Bờ, được tạo bởi hàng trăm mỏm đá lớn nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa dòng sông Đà gầm thét ồn ào, sinh ra một kỳ khu hiểm lộ.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiUT_bXaFXi4639qDSDMmNDIaFLnaedJJkz8MNCiKDP3ue68R1aaIh2D-rYJjxsrwwvN3JCVVpmEFdyaRtQLLdMJkpwG18psUdwDBHqNCVCiStdijhteMYAMleVcV79aqGsDtDFzTaPhts/s400/3211328583914731328323981duxuanthacbo3.jpg)
Lúc bấy giờ ở xã Hào Tráng có cô gái dân tộc Mường tên là Đinh Thị Vân và cô gái dân tộc Dao (không rõ tên) ở xóm Mó Nẻ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, đứng lên vận động trai tráng trong bản lên rừng xẻ ván, đóng thuyền độc mộc, kêu gọi nhân dân chặt nứa kết thành bè mảng, góp lương thực, thực phẩm cho nhà vua nuôi quân và chở giúp quân sĩ qua Thác Bờ đi đánh giặc. Về sau khi hai bà mất, thường hiển linh và giúp đỡ mọi người mỗi khi vượt qua thác ghềnh hiểm trở. Từ đó nhân dân đã phong cho 2 bà là Bà chúa Thác Bờ. Vua đã ban chiếu chỉ cho dân trong vùng lập đền thờ 2 bà.
Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính thì hiện nay đền Thác Bờ tọa lạc trên dải đất của hai huyện là Đà Bắc và Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiuDrvI019l-AHh1FpvvQziiqeqYN_MyR-b1K7tYcb_WHxE3E4kDYM1wcmsOaqj_gKPrn6NQVulfvqVKKudQCwGWckVA3Hh7s3DkSq-B8LqouKcxYHJ9rYt9rBJa8W_G4SMsb87xIDsGvc/s400/3211328583913691328323981duxuanthacbo2.jpg)
Đền Bờ phía hữu ngạn tọa lạc trên sườn đồi Sầm Lông, thuộc xóm Đền, xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Trước đây đền Thác Bờ được xây dựng ngay dưới chân Thác Bờ với nguyên vật liệu chỉ là tranh tre, nứa lá.
Năm 1979, công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà được khởi công xây dựng. Do nước dâng cao, ngôi đền đã phải di rời lên sườn núi ngay cạnh bờ sông, qua nhiều lần tu sửa đến năm 2000 ngôi đền được nâng cấp xây dựng khang trang như hiện nay.
Bao giờ cũng vậy, người đi lễ cũng sẽ cầu nguyện ở đền Trình, sau đó mới lên tới đền Chúa. Mỗi ngôi đền nằm trên một hòn đảo cách xa nhau khoảng gần 20 phút đi thuyền. Mỗi ngày, Đền Bờ đón hàng ngàn khách thập phương nô nức đến lễ Phật, lễ Chúa cầu may.
Sau khi đã hành lễ xong, những người hành hương sẽ cùng nhau thưởng thức món cá nướng sông Đà chính hiệu như cá măng, cá thiểu, được xếp thành từng mớ vàng ruộm thơm lừng, hay món gà xiên nướng trên bếp than củi hồng rực.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiefWGXQhxPOhTGewgw7SJqDDucOCaj85TSkTmcqASIGowI-32z8cXeSrKtRxrCSeccguSToSMlaXYRTcU3KgC0ddK5SA3wbku6fR6t5CBGlEY8hp-Iz-BRjdNoe-3tuRCFy0_2n_EBj4k/s400/Thumbthac-bo.jpg)
Đến nơi đây, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên giữa mênh mông sông nước, giữa những hòn đảo lớn nhỏ lô nhô, xung quanh là các bản làng của người dân tộc Mường, Dao… tạo nên một bức tranh thơ mộng sơn thủy hữu tình. Chẳng thế mà có ai đó đã ví rằng “hồ Thác Bờ như một Hạ Long thu nhỏ".
Đây là tuyến du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh hấp dẫn, nhất là khi hồ Hòa Bình đã được đưa vào điểm du lịch trọng điểm Quốc gia.
Tham quan Thác Bờ viếng đền Bà Chúa ở Hòa Bình
Động Thác Bờ (Hòa Bình)
Du lịch, GO! - Theo Báo Tin Tức, Fcar
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét