Một vẻ đẹp tiềm ấn bấy lâu nay, thật may tôi lại có dịp được đến nơi đây để ngắm nhìn những ruộng bậc thang, tuy không đẹp như trên Tây Bắc nhưng cũng đủ sức hấp dẫn du khách đến nơi đây, và để lại những kỷ niệm khó phai trong lòng.
Rời quán cà phê góc phố núi thị trấn Tri Tôn, chạy xe gắn máy chẳng bao xa, chúng tôi rẽ vào một con đường lót đá xanh chẻ.
Cuối đường nơi có tượng một ông Chằn mặt mày dữ tợn đứng: đó là đường lên chùa Khmer Tà Pạ (xã Cô Tô). Chùa Tà Pạ, có tên chính thức là chùa Chưn Num, một ngôi chùa theo Phật giáo nguyên thủy (Nam tông) của người Khmer địa phương.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjUMMNVWCcY92hVUPXwQPcoki9dUecW4QDYZ1FVypXuHv-z1NQnYfKM0LyEnWwnFAh2m5wI8ie-q13byyWNDsvxhMs0WqP-_YdtlEpD7r9nvuhohyphenhyphenElHb45EhzksmuVMT7PRTr-8MOFnDlA/s400/639-len-dinh-that-son3.jpg)
Tuy nhiên, bù lại là đứng tại tháp Phật Thích Ca - cao khoảng 50 thước - phóng tầm mắt về phía thị trấn Tri Tôn cách khoảng 1 cây số đường chim bay, chúng tôi có thể ngắm cảnh phố huyện miền núi nầy thấp thoảng trong cây cối xanh rì.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgB3jgV5MLyDxcoFGO5zhVNfsadf5yXL1sv31cWkuBP8l0UjXW8-qscuBDwYSQ_PgsukZcaEJn0Vl5YwuKmhUMhO9wmp_1JHmo4q03Xi8X90SpLrMSstYY8ON1XtZbfWTUV1tlk1Q9LxAOp/s400/Sotaydulich_An_giang_cung_co_ruong_bac_thang_02.jpg)
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjAWAd0eha1EIaAfKhjI76N2ADvZeHnIw1Xuso3iNZU1hP0b5mXr60mdMgW738T4DnM_0U4V06cMCu7ebKIdtSlXBX2GUH93zE5Nb0B9TukhXn3O_hSMZYL5KYuPsThkiKmovK6skEiWdYT/s400/6106394117_c8431c4991_z.jpg)
Đồi Tà Pạ thực sự đã cuốn hút chúng tôi bởi nét hoang sơ của nó. Dù là ngày nắng trong mùa khô, nhưng những cơn gió trên cái đỉnh đồi trống hoang nầy cứ liên hồi quạt thổi, giúp chúng tôi xóa tan bao mệt mỏi đoạn đường dốc khá cam go.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgoq8jhflFz1AlqGCbbVr7FMIxlA4wEjaqvJvtsTCM-Clfh0chtB4fTI8TmvSD-jCCJO9o5SuWaHPfWA2rQO7GGDTESfE7Yn5muNT9jxB2kyooe4EFO2qiJ_AtagIzAik8aDbUDC9eZIlQy/s400/6508945719_673ceba5be_z.jpg)
Đi loanh quanh khu vực hồ, chúng tôi khám phá sự kỳ dị của những cột đá. Có cột đá khiến người ta liên tưởng đến hòn Vọng Phu ở ngoài Trung hay miền Bắc. Có phiến phẳng lì như nơi tọa thiền của bậc đạo cao đức trọng. Có phiến lại như thanh gươm giơ cao chờ sát hại kẻ thù. Lại có cột đá trơ vơ giữa hồ như một kẻ tình si cô đơn chờ ngóng bóng dáng người yêu...
Thú vị nầy chưa dứt thì thú vị khác tiếp theo khi đứng trên đỉnh đồi phóng tầm mắt nhìn xuống bên dưới, ô hay, một cánh đồng trải rộng ra dưới ấy. Nơi nầy xanh mượt màu lúa đương thì con gái, nơi kia vàng chín cả một vùng của những cây lúa đến thì chờ gặt hái. Có chỗ vàng hươm những chân rạ. Lại có cả mấy chòm cây thốt nốt lắt lay ngọn lá trong nắng trời chói chang... Tất cả trải rộng bên chân ngọn núi hùng vĩ xanh ngắt cây rừng. Đó là núi Tô, cao 614 mét, chu vi 14.375 mét. Thật ra núi Tô là ngọn núi bao gồm cả núi Tà Pạ (xưa kia cao 120 mét, bị khai thác đá chỉ còn 45 mét cao, chu vi 10.225 mét). Đây là một trong bảy ngọn núi có tên trong quần thể Thất Sơn.
Đứng trên đồi Tạ Pạ nhìn cánh đồng Tà Pạ đẹp không sao tả xiết. Bạn tôi chắc lưỡi, buổi trưa còn đẹp như thế. Nếu vào buổi chiều hoàng hôn buông xuống, khói bếp nhà ai trên sườn núi mờ tỏa trong khói lam dâng lên từ cánh đồng thì... Cũng như vậy, buổi sáng tinh mơ, mây hay khói quyện trắng đầu núi cùng khói sương từ cánh đồng dâng lên, ngoạn mục vô cùng...
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjjTLAn7swhyphenhyphenZcFHhqC9hQGzrCNR-qzxBAZtWWUprBdOpq5QduxdL9FWAlqJLmSoDNPbCqDJNYpgqKMzYD5mQ-yTwFMaiTZLjmqpaPQHdRkOpAMWmPusr-OFlSBGpCuqwGfIXhhfNWv2Au1/s400/3501692810_2cfa178528%5B1%5D.jpg)
Anh bạn tôi cho biết, không như các nơi khác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ở Tri Tôn có đến đến bốn loại ruộng: ruộng trên, ruộng triền bưng, ruộng co bưng và ruộng bưng.
Ruộng trên là loại ruộng canh tác trên triền núi - nơi người ta trồng một loại lúa đặc vụ, gọi là lúa sóc - loại lúa cho ra những hột gạo nhỏ như cọng tăm, khi nấu thành những hột cơm khô, dẻo và thơm thoảng mùi sơn cước hoang dã. Ruộng Tà Pạ có diện tích khoảng 50 hecta đã canh tác hàng trăm năm nay, là nơi trên 100 hộ người Khmer trồng lúa. Trước kia, người ta chỉ trồng mỗi năm 1 vụ, gọi là lúa mùa. Nay người ta canh tác hai hoặc ba vụ với các loại lúa đặc sản như Nàng nhen, nếp Than... Từ khoảng tháng 4 âm lịch trở đi, bà con trồng màu, như khoai, bắp, đậu, rau...
Trong tương lai, huyện Tri Tôn sẽ đầu tư khai thác du lịch tại đây. Công ty Bảo Thanh đảm trách, ông Đỗ Minh Trí - Phó chủ tịch huyện Tri Tôn cho biết như vậy. Đó là một việc làm tránh lãng phí tài nguyên du lịch thiên nhiên hiếm hoi của vùng châu thổ nầy.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg7jiWjgLy7E1SfyNLhzS4KCrsrzf4NZ7DXsVybcvDUItl88hJwgZ17nMXX8UQxi7pfHICZljSK0VyLBILSvCldUKCpkJdUz3AK-ogxiP0XUzF8NGAxasnNPO026XeKfbhd4JBd4IlOV-8F/s400/6106935120_61530dc9bd_z.jpg)
Chúng tôi bị ấn tượng vởi những điều bình dị và đẹp của nơi đây, tôi cứ ngỡ rằng chỉ khu vực Tây Bắc mới có ruộng bậc thang, ngờ đâu ở An Giang cũng có và cũng rất đẹp.
Du lịch, GO! - Theo Thời báo Kinh Tế Saigon, Vietnamscene và nhiều nguồn khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét