< Đỉnh trời Y Tý xanh mây mù.
Những thị trấn treo mình trên lưng chừng núi, những con đường uốn mình như dải lụa thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng lá, cùng những ngôi nhà ẩn hiện trong mây khiến cho đường lên Y Tý đẹp đến mê hồn.
Đã qua rồi cái thời “Bao giờ Y Tý có kem, ô tô lên được thì em lấy chồng”, chuyện đi lại bây giờ không còn là nỗi nhọc nhằn nhưng cũng chưa hẳn là dễ đi. Đến được nơi này, có hai hướng, bạn có thể xuất phát từ Sapa vượt qua chặng đường cấp phối Bản Xèo - Mường Hum, đoạn đường xấu nhất trên suốt chặng hành trình để đến được đích hoặc đi từ thành phố Lào Cai theo hướng Bát Xát, qua dốc A Lù rồi từ đây đi thẳng là tới.
Y Tý đón chúng tôi vào một chiều đầy nắng, sau khi đã qua Lũng Pô nơi dòng Nguyên Giang chảy từ Trung Quốc hợp lưu với con suối Lũng Pô tạo thành ngã ba biên giới tự nhiên, đây cũng chính là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
< Chợ phiên Ý Tý dưới làn mây trắng.
Xã Y Tý thu mình dưới thung lũng với những con đường quanh co dẫn về các thôn bản, những nếp nhà trình tường của đồng bào Dao, Hà Nhì với lối kiến trúc đặc trưng, và có thể ít ai biết được rằng ở Y Tý có một sân bay do người Pháp xây dựng từ mấy chục năm về trước, nay đồng bào dùng làm sân phơi nông sản. Nếu bạn là khách đường xa hãy nhớ hỏi đường tới đây bởi đó là “sân mây” của chốn thiên đường này.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgAST0869gNCD8bp1eaPS36tuquGtzMuZoFsQUFsnxCW2sCQDVW0-XAUheyZtAUI2egjT8IwQptavYT0qc1xnqHtfRC-X7USJkcfXPkwttUYNTWw_t11GT8zxL48DsodrQ9NiIfitI5iPQ/s400/1.jpg)
Rượu Shim San đã được người dân ở đây nấu từ nhiều năm nay, nhưng đa phần chỉ phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Rượu Sim San ngon ngọt mềm môi được cất từ những hạt thóc bóng mẩy còn thơm mùi nắng. Cái tên Sim San được lấy theo tên của nơi sản sinh ra thức uống mê hoặc ấy, thôn Sim San nơi đồng bào Dao sinh sống cách trung tâm Y Tý quãng chừng 10km nhưng đường đi rất khó, nằm tít trên đỉnh núi cao.
Sau mỗi vụ nếp, thứ nếp trám ấy đồ thành cơm rồi đem ủ với một loại men đặc biệt, ủ vậy dăm ba ngày rồi mới cho vào chum và đổ nước vào sau mươi mười lăm ngày là có thể uống được. Khi uống vị thơm của thứ gạo nếp đặc biệt vẫn còn vương ở cuống họng, vị thanh mát tê tê trên đầu lưỡi, vị ngọt ngon đọng lại trong khoang miệng hẳn sẽ là một trải nghiệm thú vị mà bạn không thể nào quên.
Du lịch, GO! - Theo Tuấn Linh (ANTĐ) và nhiều nguồn khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét